Thư Mục vụ đầu năm 2021

“Luôn cùng với Phúc Âm”

Giám mục Giáo phận Niigata Phao-lô Narui Daisuke

 Anh chị em trong Giáo phận Niigata rất thân mến.
 Nguyện chúc anh chị em Lễ Giáng Sinh và năm mới vui tươi, hạnh phúc.
 Với quý ông bà anh chị em, năm 2020 là một năm thế nào? Hầu hết mọi người đều cảm nhận được rằng dịp cuối tháng 11 năm 2019, chuyến viếng thăm Nhật bản của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đem đến cho chúng ta một quyết tâm sống đức Tin, loan báo Tin Mừng, xây dựng một xã hội biết quý trọng sự sống. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm Corona, chủng vi-rút mới đã làm gián đoạn mọi kế hoạch, không chỉ riêng chúng ta mà của tất cả mọi người trên thế giới. Chúng ta chưa từng có kinh nghiệm như thế này bao giờ. Do đó chúng ta bắt đầu những bước dò dẫm mới trong cuộc sống. Chúng ta không được tụ họp nhau nơi Thánh đường, phải đeo khẩu trang khi hội họp, chỉ được nói chuyện ngắn, không được tổ chức sự kiện hoặc ăn uống chung với nhau. Đặc biệt, với các cụ cao tuổi, các vị ở trong tình trạng bất an về sức khỏe thì năm nay thật sự là một năm khó khăn. Với những ai đang phục vụ, chăm sóc mọi người tại các bệnh viện, viện, dưỡng lão hoặc học đường, đây cũng là một năm nhiều vất vả. Tuy nhiên, qua những kinh nghiệm này, chúng ta có cơ hội để tái xác nhận những việc rất quan trọng mà bình thường chúng ta không quan tâm, để ý như là tươi vui, chào hỏi, đến gần nhau, chăm sóc cho nhau, cầu nguyện, sự sống, niềm tin nơi Thiên Chúa.

 Trong hoàn cảnh như vừa nói ở trên, một lần nữa tôi xin tạ ơn Chúa và cám ơn quý ông bà anh chị em đã chuẩn bị, đến tham dự và nồng hậu đón tiếp tôi trong Thánh Lễ truyền chức Giám mục. Tuy tình hình hiện tại vẫn chưa có gì khả quan, nhưng tôi muốn đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su, tiến bước trong bóng đêm với ánh sáng của hy vọng và niềm vui của Phúc Âm

 

Khẩu hiệu Giám mục “Luôn cùng với Phúc Âm”

 Với tư cách là Giám mục, tôi muốn anh chị em cùng hiểu và chia sẻ tâm tình với tôi qua khẩu hiệu Giám mục của mình. Và chúng ta sẽ luôn ghi nhớ trong tim, cùng thực hiện những hoạt động của Giáo phận theo khẩu hiệu này.

Phúc Âm

 Từ “Phúc Âm” trong tiếng Anh có nghĩa là Tin Mừng, tin tốt lành đến từ Thiên Chúa. Tin Mừng đó là Nước Thiên Chúa đã bắt đầu khi Chúa Giê-su đến trần gian, nghĩa là Sức mạnh và Tình yêu của Thiên Chúa đã được ban truyền và hiện thực nơi thế giới của chúng ta, qua Chúa Giê-su. Sức mạnh và Tình yêu của Thiên Chúa là uy quyền của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, và nhất là sức mạnh toàn năng chiến thắng tử thần, là tình yêu sâu thẳm Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

 Tin mừng Thánh Mác-cô (1:14-15) viết như sau: Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”
 Đây là những lời đầu tiên của Chúa Giê-su, sau khi Ngài chịu cám dỗ trong hoang địa và bắt đầu đời sống hoạt động truyền giáo. Đây chẳng phải là những lời tâm huyết Chúa muốn nói nhất, thông qua những hoạt động của Ngài hay sao? Tôi cũng ước nguyện đây là những gì chúng ta muốn đón nhận, làm cho trở nên của mình, và loan truyền cho mọi người cùng một Phúc Âm, cùng một tâm tình như Chúa.
 Phúc Âm cũng được hiểu là sự hiện diện của chính Chúa Giê-su. Thánh sử Gioan đã bắt đầu Phúc Âm của mình như thế này: “
 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,và Ngôi Lời là Thiên Chúa.Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta
 Chúa Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người trong thế giới chúng ta. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Đây không phải là một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, và hôm nay chẳng có liên quan gì đến chúng ta. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” Ngôi Lời đã làm người, và ngay lúc này đây Ngài vẫn ở giữa chúng ta, như lời đã hứa. Chúa Giê-su cũng đã đồng hóa Ngài với những người nhỏ mọn “Ai làm cho những người bé mọn này là làm cho chính Thầy”. Đặc biệt chúng ta có thể gặp gỡ Ngôi Lời làm người nơi những người yếu đuối, nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội.
 Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su được trình bày như là một con người đầy sức sống. Tôi ước mong mọi người chúng ta tham gia các khóa học, đọc Kinh Thánh và các chú giải để gặp gỡ và hiểu biết con người Giê-su nhiều hơn, và nhất là chúng ta có thể sống và chia sẻ với người khác Phúc Âm ấy bằng ngôn ngữ của riêng mình.  

Luôn luôn

 Cơ cấu của Giáo phận Niigata được tổ chức từ thành phần giáo dân rất đa dạng. Huy hiệu Giám mục của tôi có hình ảnh đôi bàn tay có hai màu khác nhau, đang nâng cuốn Kinh Thánh diễn tả tính đa dạng ấy. Sự đa dạng các thế hệ:trẻ em, thanh niên, người lớn, người cao tuổi. Sự đa dạng trong cách sống ơn gọi giáo dân, tu sĩ, linh mục, Giám mục. Sự đa dạng trong ngôn ngữ, văn hóa, xuất thân từ trong và ngoài tỉnh, cũng như từ nước ngoài đến. Sự đa dạng về giới tính, những người được rửa tội từ thuở nhỏ, những người được rửa tội khi đã trưởng thành; người kết hôn và người độc thân; người chịu phép rửa và chưa chịu phép rửa…đó là những anh chị em khác biệt nhau về nhiều mặt, được Thiên Chúa mời gọi đến con đường Phúc âm, đang sinh sống tại các tỉnh Akita, Yamagata, Niigata.
 Trong khẩu hiệu này không có động từ. Lý do là vì tôi mong muốn anh chị em, với nhiều điểm khác biệt nhau như thế, có thể thực hiện nhiều việc liên quan đến Phúc âm, tùy theo khả năng của mình. Ví dụ như các em thiếu nhi có thể thân thiện, đối xử tốt với bạn bè; những nhân viên công sở tuy phải quay cuồng trong công việc, trong những lúc khó khăn có thể cho thấy một khuôn mặt tươi vui; những bệnh nhân có thể cầu nguyện; những cuộc hội họp có thể chia sẻ Kinh Thánh. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể sống Phúc âm theo phương thế của mình. Trong cuộc sống hằng ngày, xin anh chị em hãy chuyên tâm giáo dục tất cả mọi sự liên quan đến Phúc âm.

Cùng với

 Thật là khó khăn khi chỉ có một người làm chứng hoặc loan báo Tin Mừng. Đây không phải là vấn đề không có can đảm, không có tri thức hoặc kỹ thuật. Như tôi đã trình bày ở trước, Tin Mừng là sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ một người thì không thể diễn tả được Tình yêu. Tình yêu cần có tha nhân. Xin anh chị em hãy thử suy nghĩ, giả sử Chúa Giê-su không kêu gọi các Tông đồ và chỉ có một mình Ngài đi loan báo Tin Mừng, liệu Tình yêu của Thiên Chúa có đến được với chúng ta hay không? Hay nếu trong Tin Mừng chỉ viết về Chúa Giê-su mà không có những câu chuyện liên quan đến các Tông đồ, đến những người Chúa gặp trên đường truyền giáo, liệu Tình yêu của Thiên Chúa có được truyền tải đến mọi người hay không? Nhờ Chúa Giê-su dạy dỗ, tranh luận, muốn các ông cùng cầu nguyện, cùng ăn uống với Ngài, cùng vui mừng với những thành quả truyền giáo mà chúng ta có thể cảm nhận được Chúa Giê-su đã yêu thương các Tông đồ và mọi người như thế nào.
 Thử suy nghĩ như thế, chúng ta sẽ thấy khi loan báo Phúc Âm, việc cộng tác với tha nhân là rất quan trọng. Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với các anh chị em tín hữu cũng như không phải là tín hữu, chúng ta hãy luôn tâm niệm rằng “bây giờ, ngay lúc này đây, Tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện nơi người này, và ở giữa chúng ta” là điều rất quan trọng để chúng ta ghi nhớ và thực hành.
 Một điểm tôi muốn nhấn mạnh nữa là cụm từ “Cùng với” khi làm việc gì, nhất là khi cộng tác với anh chị em khác biệt về văn hóa hoặc hoàn cảnh khác nhau. Trên thế giới, nơi nào cũng có sự khác biệt giữa các thế hệ, giữa người bản xứ và người di dân, các giá trị quan khác nhau. Do đó, thật khó để xây dựng một cộng đoàn có quá nhiều sự khác biệt. Trong một thế giới như thế, Giáo hội nỗ lực xây dựng một Cộng đoàn Đức tin “cùng với”
 Giáo hội Nhật bản cũng không ngoại lệ. Chắc chắn rằng sự khác biệt này sẽ lớn hơn nữa trong tương lai. Trong hoàn cảnh như thế, với từ khóa “Interculturality”-“Hội nhập văn hóa”, với sự gia tăng nhiều cộng đoàn dòng tu quốc tế, hoặc anh chị em di dân trong Giáo phận, góp phần xây dựng cộng đoàn. Đây là khái niệm để chúng ta có thể hiểu biết bối cảnh văn hóa cũng như các hiểu biết về chính bản thân mình, nhờ đó hiểu biết tha nhân và bối cảnh văn hóa của họ; trong các mối quan hệ với mọi người, chúng ta có thể can đảm thay đổi bản thân và đón nhận tha nhân, cùng nhau thay đổi và trưởng thành.
 Khi Chúa Giê-su gặp người phụ nữ xứ Xyria, gốc Phênixi và bà này xin Ngài trừ quỷ cho con gái của bà, Ngài đã trả lời: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (Mc 7, 28). Ngài được sai đến trước hết là cho người Do Thái, nên đã từ chối bà này cách khéo léo, nhẹ nhàng. Tuy nhiên bà đã đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ.” Cuối cùng, Chúa Giê-su đã nói với bà rằng: “Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” và Ngài đã chữa lành cho con gái bà. Qua cuộc đối thoại này, chúng ta có thể hiểu được tấm lòng và tâm tình tin tưởng nơi Chúa Giê-su của người mẹ đã lay động trái tim của Chúa Giê-su. Thiên Chúa chúng ta tin thờ là Thiên Chúa vì yêu thương đã tự thay đổi chính mình, và chính điều này đã tỏ lộ một Tình yêu lớn hơn nữa. Tôi cũng mong muốn chúng ta học nơi Chúa Giê-su, có thái độ tích cực trong các mối quan hệ với anh chị em có nền văn hóa khác biệt, để cùng nhau trưởng thành.

Kế hoạch năm nay

 Năm nay, Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ Truyền giáo, các đại diện linh mục của các hạt và giáo dân của Giáo phận Niigata đã tổ chức ban Tư vấn cho Giám mục và đã bắt đầu thảo luận những nhiệm vụ, chủ đề cần nỗ lực của Giáo phận. Để quá trình này tiến triển tốt đẹp, không chỉ các thành viên ban Tư vấn, mà tất cả mọi thành phần trong Giáo phận phải cùng nhau suy nghĩ, bàn bạc, và truyền đạt đến Hội đồng. Ba vấn đề Giáo phận cần kiểm thảo để hữu ích hơn nữa trong hoạt động Truyền giáo năm 2021 là:

  1. Vượt lên những khác biệt về thế hệ, quốc tịch, văn hóa, vui mừng và quan tâm đến việc phát triển “Giáo hội của chúng ta”
  2. Ý thức vai trò của Giáo hội trong xã hội, tăng cường việc chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau trong Giáo phận, Giáo hạt và Giáo xứ
  3. Phát triển trong tín hữu tính kế thừa trọn vẹn việc đào tạo đức Tin, làm chứng cho Phúc Âm bằng lời nói và hành động trong xã hội hiện thực.

 Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã quyết định năm Thánh Giu-se bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm ngoái đến cùng ngày năm nay, mời gọi tất cả mọi người tin tưởng vào lời bầu cử và sống theo gương mẫu đời sống Đức Tin đơn sơ của Thánh nhân. Dù cho dịch bệnh Co-ro-na có ảnh hưởng đến xã hội chúng ta như thế nào, chúng ta hãy có những biện pháp ứng phó chặt chẽ và sống Đức Tin của mình. Đồng thời, chúng ta cũng hãy lên tiếng và giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn, cả trong và ngoài Giáo hội.
 Năm nay cũng đúng mười năm trận động đất ở phía Đông Nhật bản. Xin anh chị em cũng cầu nguyện và hiệp ý với anh chị em Giáo phận bên cạnh Giáo phận chúng ta.
 Năm nay, chủng sinh Oka Shuta sẽ chịu chức phó tế. Xin cám ơn anh chị em đã cầu nguyện và bảo trợ Ơn gọi. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho thầy trong thời điểm trọng đại này.
 Tôi nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ hồng phúc dồi dào của Ngài trên anh chị em, và dẫn dắt anh chị em. Xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho tôi.

  Download pdf